Xem thêm các thông tin hỏi đáp khác tại : Tìm Hiểu Văn Hóa Tâm Linh 
Lễ vật phúng điếu đám tang là cách để người đi viếng thể hiện tấm lòng thương tiếc đối với người quá cố, đồng thời cũng là để chia sẻ, giúp đỡ gia chủ trong việc tổ chức lễ tang.
Khi nhà có tang chế mọi người thân quen, bạn bè gần xa đến thắp nhang chia buồn và theo phong tục có thể mang đến 1 ít hoa quả, thẻ hương để cúng và có thể bỏ vào bì thư 1 ít tiền gọi là tiền phúng nhằm chia sẻ với gia chủ lúc khó khăn (vì tổ chức tang lễ cũng tốn kém). Số tiền phúng điếu thường được chủ nhà ghi lại cụ thể và cất giữ như 1 giấy “vay nợ” tượng trưng. Sau này khi nhà khác có chuyện tương tự thì gia chủ phải đi “trả nợ”.
Các cụ vẫn nói “ngày xưa nhà đó giúp mình bao nhiêu thì bây giờ mình phải giúp lại họ bằng như vậy hoặc nhiều hơn chứ không được ít hơn”… Cũng giống như với đám cưới, tiền mừng cưới là để chia sẻ với gia chủ khi vừa bỏ một số tiền không nhỏ ra tổ chức đám cưới. Gia chủ cũng phải ghi lại cẩn thận và chính xác số tiền này để khi nhà khác có việc thì cũng phải đi “trả nợ”.
Tuy nhiên, trong việc tổ chức lễ tang, nhiều gia đình không muốn phiền lòng người tới viếng (cái này là do tâm lý thôi), hoặc không muốn “mang nợ”… sẽ “miễn chấp điếu”, tức là không nhận lễ vật phúng viếng bằng tiền mặt. Thường là một trong các trường hợp sau:
1. Người quá cố có đủ khả năng lo hậu sự cho mình nhưng lại không có con cái nên trước khi mất họ dặn dò người thân không nhận tiền phúng bởi sau này không có ai đứng ra thay mặt để đáp lễ lại khi có việc hiếu hỉ.
2. Vì hoàn cảnh nào đó, gia chủ không có điều kiện đáp lễ lại (tức là khi mình có công việc người ta không có điều kiện thăm hỏi phúng viếng lại) thì người ta nhận hương hoa chứ không nhận tiền phúng viếng) chẳng hạn như con cái ở xa, ở nước ngoài…
3. Một số gia đình khi người đã chết là trẻ em hoặc người lớn tuổi thì thường không nhận tiền phúng để cho hương hồn người chết mau được siêu thoát (không mắc nợ trần gian). Hơn nữa, những người bình thường trước khi chết đều phải nằm ở bệnh viện một thời gian, đã có nhiều người thân, bạn bè đến thăm hỏi, quà cáp nên gia đình rất ngại khi họ lại phải nhận thêm tiền phúng nữa.
4. Một số người có chức vụ, địa vị cao cũng rất ngại và sợ bị mang tiếng khi gia đình có tang vì đôi khi tiền phúng không chỉ là vài chục hay vài trăm nghìn mà có thể lên tới cả triệu hay vài triệu,…thành ra tiền phúng chả khác gì tiền đút lót.
Nếu gia chủ không nhận tiền phúng điếu thì người đi viếng vẫn sẽ mua bó hương và hoa quả để cúng. Cho nên sau lễ tang số hương hoa có rất nhiều, gia chủ phải huy động người thu gom rồi chia bớt cho hàng xóm láng giềng, người thân trong gia đình hoặc những người nghèo khó, công đức vào nhà chùa,…kẻo dùng không hết gây ra lãng phí.

Ngoài ra, trong một số đám tang hiện nay gia chủ thực hiện di nguyện của người chết bằng cách vẫn nhận tiền phúng nhưng sau đó đem toàn bộ đi làm từ thiện. Đây là việc làm vô cùng ý nghĩa và thiết thực.
Share To:
Magpress

Blog Thái Nguyên

Cảm ơn quý khách đã ghé thăm blog Thái Nguyên. Mọi phản hồi của quý khách xin gửi về theo địa chỉ Email : Blogthainguyen@Gmail.com .Xin cảm ơn.

0 comments so far,add yours