ừ lâu đời, tín ngưỡng thờ cúng, lễ bái đã tồn tại trong dân gian, cầu duyên cũng vậy. Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Phúc Giác Hải (Phó viện trưởng Viện nghiên cứu và ứng dụng tiềm năng con người):

“Việc cầu duyên cũng là cầu may, cầu phúc. May mắn thì người cầu sẽ có được ý trung nhân như mong đợi. Tuy nhiên, cầu duyên nói riêng và cầu những điều khác nói chung không phải tất cả đều ‘cầu được ước thấy’ mà do cái phúc của mình nhiều hay ít”, ông Hải cho biết.

Người ta hay nói khi đi cầu duyên thì nên đến đền thờ bà Liễu Hạnh ở phủ Tây Hồ, nhưng theo ông Hải, cầu duyên hay cầu gì khác ở bất cứ đình, chùa nào đều không quan trọng. Cái quan trọng nhất là cái tâm, là tấm lòng thành của mình. Các bạn trẻ một khi đã đi cầu duyên thì nên tin để thành tâm và sớm đạt được điều mình mong muốn. Nhưng chỉ như vậy thôi chưa đủ. “Ngoài chuyện thần linh sắp đặt duyên trời, muốn sớm có duyên đẹp, duyên như đã cầu thì phải do mình”, ông khẳng định.

Từ đó, nhà nghiên cứu khuyên: “Chúng ta phải biết mình biết người. Mỗi người hãy tự tạo cho mình cái duyên về hình thức và phẩm chất mới có thể cải thiện được tình duyên. Với bạn gái, hãy trau dồi đầy đủ công, dung, ngôn, hạnh, đặc biệt trong thời đại này thêm hai thứ rất quan trọng: ngoại ngữ và vi tính. Với bạn nam, hãy rèn luyện để trở thành người đứng đắn, lịch thiệp, có tư cách…”.

Vậy ngoài việc đến “Những ngôi chùa nổi tiếng cầu duyên ở Hà Nội” để cầu duyên các bạn nên tự tạo cho mình cái duyên để cải thiện tình duyên của mình.

1: Chùa Hà

Chùa Hà có tên chữ là Thánh Đức tự, cùng với đình Bối Hà, lập thành cụm di tích đình – chùa Hà nằm trên mảnh đất, trước kia thuộc làng Dịch Vọng, huyện Từ Liêm, nay thuộc phố Chùa Hà, thôn Trung, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội.

Không biết từ bao giờ mà người ta thường rỉ tai nhau về một địa điểm mà ai cũng cho rằng là nơi cầu duyên linh thiêng bậc nhất Hà Nội nói chung và Việt Nam nói riêng. Nên cứ như vậy những người đang “lận đận” chuyện tình duyên thường ghé thăm chùa Hà để sớm tìm thấy một nửa tương lai của mình.

Theo truyền thuyết : Chùa Hà được xây dựng lên để vua Lê Thánh Tông (trị vì 1460-1497) bày tỏ lòng nhớ ơn các đại thần Nguyễn Trãi, Nguyễn Xí, Đinh Liệt đã cưu mang mình và phế bỏ Lê Nghi Dân để đưa mình lên ngôi vua vào năm 1460.

Du khách đến lễ Chùa Hà, ngoài việc tìm tới sự trong lặng nơi cõi Phật, ai cũng cầu nguyện một tình duyên trọn vẹn. Người đang yêu mong tình yêu đẹp mãi, hạnh phúc mãi; kẻ cô đơn mong sớm tìm được một nửa còn lại. Người già thì cầu mong sức khỏe, bình an cho gia đình. Ai cũng tin Đức Phật từ bi cũng như Thánh Mẫu trên cao sẽ thấu hiểu được lòng mỗi người.

Nhiều nhất là thanh niên nam nữ không chỉ ngày rằm, mùng một hay đầu năm mới mới đến chùa thắp hương cầu xin mà dường như quanh năm, chùa lúc nào cũng đông khách. Dọc con phố dẫn vào chùa Hà, ngoài các lễ vật được bày bán, hoa hồng được bán khá nhiều (có thể hoa hồng được xem là loài hoa dành cho tình yêu, thích hợp cho việc “cầu duyên”). Ngoài ra, để phục vụ cho các “tình yêu”, các cặp đôi vòng, nhẫn cũng được các chủ hàng bày bán.

2: Phủ Tây Hồ

Phủ Tây Hồ nằm trên bán đảo lớn giữa Hồ Tây; nay thuộc phường Quảng An, quận Tây Hồ, thành phố Hà Nội, Việt Nam. Phủ thờ Liễu Hạnh Công chúa, một nhân vật trong truyền thuyết, và là một trong bốn vị thánh bất tử trong tín ngưỡng của người Việt. Theo truyền thuyết, phủ được xây dựng vào khoảng thế kỷ 17 nhưng có thể có muộn hơn. Vì trong các sách nói về di tích của Thăng Long – Hà Nội cổ ra đời đầu thế kỷ 20 như Thăng Long cổ tích khảo, Long Biên bách nhị vịnh, Tây Hồ chí, Hà Thành linh tích cổ lục,…đều không ghi chép về di tích này.

Phủ Tây Hồ đã được Bộ Văn hóa (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cấp bằng di tích Lịch sử-Văn hóa ngày 13 tháng 2 năm 1996. Ngoài ra, tại sân phủ có một cây si cổ thụ cũng đã được công nhận là “cây di sản Việt Nam”, và ở kề bên phủ còn có đền Kim Ngưu thờ Trâu Vàng theo truyền thuyết.

Phủ Tây Hồ được coi là một trong những chốn linh thiêng nhất trong hệ thống đình chùa của Hà Nội. Chính vì điều này mà ngày người ta đi Phủ Tây Hồ không chỉ để cầu tài lộc mà còn để cầu duyên. Đến phủ Tây Hồ không thiếu những bạn gái, bạn trai lững thững đi một mình đầy tâm trạng.

3: Am Mị Nương – Đền Cổ Loa

Am Mỵ Nương nằm trong chùa Cổ Loa (Hà Nội). Trong chùa, có am nhỏ thờ một bức tượng không đầu được trang trí rất đẹp và sang trọng. Theo người dân sống tại đây, bức tượng này là thờ công chúa Mỵ Châu bị vua cha chém đầu vì tội phản bội trong truyền thuyết xa xưa.

Câu chuyện tình cảm sắt son, chung thủy của nàng Mỵ Nương cùng Trọng Thủy khi xưa đã khiến bao người cảm động, tin tưởng rằng đến nơi đây cầu duyên sẽ được linh ứng. Cứ thế, một đồn mười, người ta đổ về đây mong kiếm tìm hạnh phúc”. Chính vì vậy am Mỵ Nương được người đời truyền tụng là rất có ứng nghiệm trong cầu duyên và hạnh phúc gia đình.

4: Chùa Phúc Khánh

 Chiều muộn, chùa Phúc Khánh (Thanh Xuân, Hà Nội) vẫn không thiếu những đôi trẻ hay cô gái đi lễ. Vẻ mặt đầy âu lo, Dung (giáo viên dạy Văn tại Hà Nội) khẽ nhắm mắt và chắp tay vái trước các ban thờ với xấp tiền lẻ trong tay. Lễ xong, cô ngồi trầm ngâm ở bậc thềm chùa, rút thẻ trong túi ra đọc.

Dung lo lắng kể: “Lẽ ra hôm nay mình chỉ định đi rút thẻ đầu năm. Nhưng thầy bảo quẻ thẻ nói rằng tình duyên năm nay có trục trặc. Nếu mình không thành tâm cầu duyên ở nhiều chùa thì khả năng tan vỡ rất cao, không thì người chồng tương lai cũng sinh tính trăng hoa, hư hỏng”. Việc cầu duyên nằm ngoài dự định lần đi chùa này của Dung.

Tâm trạng chung của những cô gái chàng trai khi đi khấn cầu duyên có khi là niềm vui được trong tay nhau đi lễ chùa, có khi là nỗi lo lắng, khổ sở… Nhưng điều mà họ cảm thấy được rõ nhất chính là sự bình yên trong tâm hồn. Từ đó, họ tin vào điều mình nguyện cầu sẽ thành sự thực.
Share To:
Magpress

Blog Thái Nguyên

Cảm ơn quý khách đã ghé thăm blog Thái Nguyên. Mọi phản hồi của quý khách xin gửi về theo địa chỉ Email : Blogthainguyen@Gmail.com .Xin cảm ơn.

0 comments so far,add yours