Sau khi chiêm ngưỡng gác chuông bề thế đồ sộ với quả Đại Hồng Chung, được tưới mát tâm hồn bởi những làn gió mát phảng phất hương sen pha lẫn chút đồng nội, quý khách sẽ bước tiếp trên con đường hành hương để chiêm bái điện thờ Quan Thế Âm Bồ Tát. Nhìn từ bên ngoài, điện được xây dựng trên triền đồi cao hơn tháp chuông và Tam Quan với hình dáng "lộng tàn". 


Điện thờ Quan Thế Âm Bồ Tát Cứu Khổ Cứu Nạn có diện tích 800 mét vuông. 
Cũng như cổng Tam Quan và gác chuông, toàn bộ điện thờ Phật bà Quan Âm được xây dựng hoàn toàn bằng gỗ với những cây cột thẳng tắp, đường kính to đến người lớn ôm không hết. Mái điện được lợp bằng những viên ngói ống thâm nâu. 
Toàn bộ kiến trúc điện Phật bà Quan Âm được xây dựng theo kiểu chùa cổ Việt Nam theo lối con chồng kẻ bảy, với lớp mái đao truyền thống. 



Điện có chiều cao 14,8 mét, chu vi 40,41 mét x 16,60 mét gồm 7 gian: 5 gian chính trong đó, gian Trung đường rộng 6,60 mét, hai bên Trung đường là hai gian, mỗi gian rộng 60,00 mét; 2 gian tả hữu vu, mỗi gian rộng 4,20 mét. Trong điện có hai hàng cột cái, mỗi hàng có 16 cây cột cao 11, 80 mét và đường kính là 0,56 mét. Những cây cột này đều làm bằng gỗ tứ thiết được kê trên những tảng đá vuông vắn có hoa văn hình hoa sen cách điệu. Các vỉ kèo, xà ngang, xà dọc đều được làm bằng gỗ tứ thiết nguyên khối. Tầng mái thứ hai của điện dựng 20 cây cột chốn với đường kính 0,60 mét được đỡ bởi các xà nách.

Gian Trung đường đặt một sập thờ kiểu "Chân quỳ dạ cá" chạm bong với thông phong hình tứ linh, hoa lá chạm khắc bằng gỗ dài 4,79 mét, rộng 2,35 mét và cao 1,27 mét. Các đồ tế tự ở Trung gian đều được đúc bằng đồng.

 
Trong điện là pho tượng Phật bà Quan Âm ngàn tay, ngàn mắt bằng đồng dát vàng ngự trên đầu rồng và toà sen. Đây là pho tượng Quan Thế Âm Bồ Tát bằng đồng lớn nhất Việt Nam. 

Pho tượng Phật bà Quan Âm cao 5,40 mét  nặng 80 tấn và toà sen bằng đồng cao gần một mét, đầu rồng cao 2, 07 mét. Nếu tính cả bệ thờ thì trọng lượng Phật Quan Thế Âm Bồ Tát ngự toà sen lên đến gần 100 tấn đồng. 

Quan Thế Âm Bồ Tát có khuôn mặt sáng sủa hiều dịu. Hai bên và phía sau đầu Phật bà có các khuôn mặt nhỏ dõi nhìn tứ phía. Đầu Phật bà đội một chiếc mũ phật 3 tầng xếp chồng với 8 mặt Phật nhỏ. Trên đỉnh mũ là ột pho tượng Phật nhỏ xếp bằng thoát tục lên chính quả. Bên trái và bên phải của Quan Âm có 42 cánh tay với mỗi lòng bàn tay tạc hình một con mắt mở tròn. Trong 42 cánh tay này, 2 tay chắp trước ngực niệm phật, 2 tay bắt chéo để trên lòng và 18 tay còn lại xoè ra như ánh hào quang. 

Phía sau lưng Phật bà Quan Âm là một lá sen hình tròn mạ vàng có đường kính là 5,50 mét. Từ lá sen này mọc ra 958 cánh tay nhỏ dài 0,60 mét có hình con mắt trong lòng tay. 
Dáng vẻ thanh thoát của pho tượng Phật Quan Thế Âm Bồ Tát toát lên vẻ hiền dịu đặc trưng của người phụ nữ Việt Nam truyền thống. 

Trong tâm thức sâu thẳm của cư dân Việt, Quan Thế Âm Bồ Tát có tấm lòng từ bi của Phật và sự nhân từ, hiền hậu của một vị nữ thánh. Phật Bà có ngàn mắt để nhìn thấu mọi nỗi khổ đau và có ngàn tay để vươn ra bao bọc, che chở, cứu giúp chúng sinh, hướng đạo cho chúng sinh vượt qua mọi sự trầm luân khổ ải. 

Đến với điện thờ Phật bà Quan Âm, du khách không chỉ dâng hương tỏ lòng thành và tĩnh tâm trước nhân gian thế sự xoay vần mà còn để được một lần chiêm nghiệm cuộc sống xung quanh từ những triết lý Phật giáo thiện căn.
 


Share To:
Magpress

Blog Thái Nguyên

Cảm ơn quý khách đã ghé thăm blog Thái Nguyên. Mọi phản hồi của quý khách xin gửi về theo địa chỉ Email : Blogthainguyen@Gmail.com .Xin cảm ơn.

1 comments so far,Add yours

  1. tượng phật bà quan âm bằng đá, bằng đồng hay bằng gỗ,... đều thể hiện cái tâm hướng phật của nghệ nhân điêu khắc tượng phật cùng với cái tài chạm khắc điêu luyện

    Trả lờiXóa