Tạp chí về Y học nổi tiếng thế giới The Lancet mới đây có loạt bài công bố những bằng chứng mới về ích lợi của việc cho con bú sữa mẹ.
Ích lợi của việc cho con bú sữa mẹ
Việc cho con bú sữa mẹ có thể giúp làm giảm đáng kể tỷ lệ trẻ bị tử vong hàng năm và do đó có ảnh hưởng tích cực đến GDP ở các nước bất kể đó là nước có thu nhập thấp, trung bình hay cao. Đó là công bố mới đây trên tạp chí y học The Lancet.
Theo loạt bài trên tạp chí The Lancet, việc cho trẻ bú sữa mẹ sẽ giúp tránh được hơn 800,000 ca tử vong ở trẻ, trong đó 87% là trẻ dưới 6 tháng tuổi. Theo báo cáo mới, chi phí liên quan đến khả năng phát triển nhận thức kém hơn ở trẻ do không được bú sữa mẹ hiện tiêu tốn hơn 300 triệu đô la mỗi năm trên toàn cầu, đây là một con số khá lớn nếu so với toàn bộ thị trường dược phẩm toàn cầu.
Bác sĩ Chessa Lutter, chuyên gia thuộc Tổ chức y tế Pan America thuộc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết việc cho trẻ bú sữa mẹ không chỉ mang lại lợi ích cho trẻ mà còn cho cả các bà mẹ:
Trẻ được bú sữa mẹ nhận được những kháng thể trong sữa mẹ, ngoài ra trẻ được bú sữa mẹ cũng không bị tiếp xúc với nước không sạch, sữa formula không an toàn và những thực phẩm không an toàn khác. Đây là cơ chế rõ ràng.
-BS Chessa Lutter
Có rất nhiều lợi ích cho trẻ và cho các bà mẹ. Đối với trẻ nhỏ thì có những lợi ích ngắn hạn bao gồm tránh những bệnh tật. Cụ thể là giảm nguy cơ tử vong, giảm nguy cơ bị các viêm nhiễm đường hô hấp và tiêu chảy. Đó là những lợi ích ngắn hạn được nói đến trong báo cáo. Về lợi ích dài hạn là sự phát triển trí thông minh ở trẻ. Trung bình trẻ được cho bú sữa mẹ có điểm IQ cao hơn 3 điểm so với trẻ không được bú sữa mẹ. Ngoài ra cũng có nghiên cứu cho rằng trẻ được bú sữa mẹ có nguy cơ bị tiểu đường thấp hơn, nguy cơ bị ung thư máu cũng thấp hơn, ít hơn nguy cơ bị đột tử không rõ nguyên nhân. Đối với phụ nữ, lợi ích của việc cho con bú giúp làm giảm nguy cơ bị ung thư vú, ung thư buồng trứng và tiểu đường type 2.
Những con số được đưa ra trong báo cáo mới cho thấy việc cho trẻ bú sữa mẹ sẽ ngăn chặn được gần một nửa số ca tiêu chảy và 1/3 số ca viêm nhiễm đường hô hấp ở trẻ. Ngoài ra, cứ mỗi năm trong 2 năm đầu tiên người phụ nữ cho trẻ bú trong suốt quãng đời của mình, nguy cơ ung thư vú xâm lấn giảm đi 6%. Khoảng 20.000 các ca tử vong do ung thư vú mỗi năm sẽ không xảy ra nhờ việc cho con bú sữa mẹ.
Theo bác sĩ Chessa Lutter, đã có những nghiên cứu chứng minh được những cơ chế liên quan giữa sữa mẹ và việc phòng tránh các bệnh viêm nhiễm ở trẻ:
“Một số cơ chế liên quan cho đến bây giờ vẫn chưa được hiểu rõ. Trẻ được bú sữa mẹ nhận được những kháng thể trong sữa mẹ, ngoài ra trẻ được bú sữa mẹ cũng không bị tiếp xúc với nước không sạch, sữa formula không an toàn và những thực phẩm không an toàn khác. Đây là cơ chế rõ ràng. Kháng thể trong sữa mẹ cũng giúp giảm nguy cơ viêm đường hô hấp ở trẻ. Đó là những cơ chế chính. Còn đối với sự phát triển trí thông minh, sữa mẹ có thành phần axit béo có liên quan đến việc cải thiện chỉ số IQ… Đối với nguy cơ tiểu đường ở trẻ, cơ chế liên quan có tính lý thuyết nhiều hơn nhưng có những ý kiến cho rằng một số loại protein trong sữa bò có thể gây ra những phản ứng ở hệ miễn dịch có liên quan đến tiểu đường.”
Về cơ chế liên quan giữa việc cho con bú sữa mẹ và sức khỏe của bà mẹ, theo bác sĩ Chessa Lutter, có liên quan đến chu kỳ sinh sản của phụ nữ trong thời kỳ cho con bú. Theo bà những ích lợi này ít được biết đến hơn so với ích lợi của sữa mẹ đối với trẻ.
Khuyến khích cho trẻ bú sữa mẹ là trách nhiệm của cộng đồng
Thấy được ích lợi của việc cho trẻ bú sữa mẹ, các chuyên gia y tế từ lâu nay vẫn khuyến khích các bà mẹ nên cố gắng cho con bú sữa mẹ hoàn toàn trong vòng ít nhất 6 tháng đầu đời của trẻ. Tuy nhiên việc thực hiện lời khuyên này ở các bà mẹ ở nhiều nước còn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là ở các nước có thu nhập thấp và trung bình. Một báo cáo hồi năm 2012 của Quỹ Nhi đồng Liên hiệp quốc (UNICEF) cho thấy tỷ lệ trẻ được bú sữa mẹ đã giảm sút ở khu vực Đông Á. Theo thống kê của UNICEF, tỷ lệ mẹ cho con bú ở Thái Lan là khoảng 5%, ở Việt Nam là 10%, trong khi ở Trung Quốc là 28%. Nói về nguyên nhân dẫn đến thực trạng này, bà France Begin, chuyên gia dinh dưỡng của UNICEF khu vực châu Á Thái Bình Dương, cho biết:
“Có một vài yếu tố giải thích vì sao ở một số nước, tỷ lệ mẹ cho con bú hoàn toàn sữa mẹ lại thấp như vậy. Ví dụ như Thái Lan vẫn chưa áp dụng quy định quốc tế trong các quảng cáo về sữa thay thế sữa mẹ. Tại Việt Nam và Trung Quốc các bà mẹ phải đi làm. Họ đi làm sớm hơn trước cho nên cũng làm giảm thời gian cho con bú hoàn toàn bằng sữa mẹ. Họ không có môi trường giúp họ có thể cho con bú tại chỗ nên họ phải dùng sữa bột.”
Quy định mới vào năm 2013 tại Việt Nam cho phép các bà mẹ được nghỉ 6 tháng thai sản. Trước đó, các bà mẹ ở Việt Nam chỉ được nghỉ 4 tháng thai sản.
Bên cạnh đó, việc quảng cáo các loại sữa bột thay thế sữa mẹ của các nhà sản xuất được cho là quá mức, và khiến các bà mẹ hiểu sai lệch về ích lợi thực sự của sữa thay thế sữa mẹ. Bà France Begin giải thích:
“Chúng tôi thấy các công ty quảng cáo sữa khắp nơi trên TV, trên radio, áp phích. Họ quảng cáo là sữa bột làm trẻ thông minh hơn, cao hơn… Một nghiên cứu tại Philippines vài năm trước cho thấy việc quảng cáo quá mạnh các loại sữa bột cộng thêm sự khuyến khích của các bác sĩ, y tá đối với các bà mẹ để trẻ dùng sữa bột thay thế sữa mẹ đã thuyết phục được các bà mẹ.”
Quảng cáo quá mức của các công ty sữa cũng có ảnh hưởng nhất định lên nhận thức của những bà mẹ ở Việt Nam. Chị Quế Hương, một bà mẹ có con 5 tuổi ở Hà Nội, cho biết chị cũng cố gắng cho con bú sữa mẹ khi con dưới 6 tháng tuổi nhưng chị vẫn phải kết hợp sữa ngoài vì phải đi làm. Tuy nhiên, theo chị sữa ngoài có những chất mà sữa mẹ không có:
“Em nghĩ kết hợp thì tốt. Em nghĩ là sữa mẹ thì không thể tổng hợp hết các chất như là sữa bột được.”
Chị cho biết chị vẫn phải mua thêm sữa ngoài hàng tháng khi con còn nhỏ. Chị chọn mua sữa bột nhập ngoại vì nghe nói chất lượng đảm bảo hơn sữa nội. Giá mỗi hộp sữa mà chị mua vào lúc đó là khoảng 900.000 đồng (tương đương khoảng 45 đô la) một hộp cỡ 600 gram. Đây là một khoản chi phí không nhỏ so với thu nhập trung bình của nhiều người Việt Nam thường chỉ ở mức khoảng 200 đô la Mỹ một tháng.
Một nghiên cứu tại Philippines vài năm trước cho thấy việc quảng cáo quá mạnh các loại sữa bột cộng thêm sự khuyến khích của các bác sĩ, y tá đối với các bà mẹ để trẻ dùng sữa bột thay thế sữa mẹ đã thuyết phục được các bà mẹ.
-Bà France Begin
Theo bác sĩ Chessa Lutter, thị trường sữa thay thế sữa mẹ trên toàn thế giới hiện ước tính vào khoảng 45 tỷ đô la. Dự đoán thị trường này sẽ tăng lên 71 tỷ đô là vào năm 2019, với phần tăng trưởng lớn nhất đến từ các nước co thu nhập thấp và trung bình. Theo bác sĩ Chessa Lutter, nguyên nhân là do ở các nước thu nhập cao, phụ nữ ngày càng có xu hướng cho con bú sữa mẹ nhiều hơn.
Ngay từ năm 1981, Hội đồng Y tế Thế giới đã ra bộ quy tắc quốc tế về quảng cáo sữa thay thế trong đó có những quy định ngặt nghèo về việc cấm quảng cáo quá mức sữa thay thế sữa mẹ, đặc biệt là ở các bệnh viện đối với các bà mẹ. Tuy nhiên theo bác sĩ Chessa Lutter, việc thực thi các quy định này còn chưa tốt:
“Bộ quy tắc có những quy định chặt chẽ nhằm tránh việc quảng cáo không đúng. Nhưng rất tiếc là việc thực thi các quy định này chưa được tốt. Nó đòi hỏi phải có quy định về luật ở cấp quốc gia.”
Theo bác sĩ Chessa Lutter, chính phủ Việt Nam đã làm khá tốt trong việc giới thiệu các luật mới liên quan đến việc khuyến khích trẻ bú sữa mẹ.
“Việt Nam có điều luật khá tốt mới đây. Chính phủ Việt Nam đang cố gắng để tránh những quảng cáo không đúng với sữa thay thế. Nhưng dẫu vậy vẫn cần phải có sự cảnh giác. Mọi việc cần phải được kiểm soát chặt chẽ và có phối hợp với các thông tin cho công chúng về tầm quan trọng của sữa mẹ với trẻ và với chính các bà mẹ.”
Từ năm 2006, chính phủ Việt Nam đã có nghị định bảo vệ việc nuôi con bằng sữa mẹ. Theo nghị định này, việc quảng cáo sữa dùng cho trẻ dưới 12 tháng tuổi, cùng thức ăn cho trẻ dưới 6 tháng tuổi, bình bú và đầu vú nhân tạo bị nghiêm cấm quảng cáo. Nghị định cũng yêu cầu quảng cáo và tiếp thị các loại sữa dùng cho trẻ từ 12 tháng đến 24 tháng tuổi phải ghi rõ nuôi con bằng sữa mẹ là lựa chọn tối ưu.
Theo bác sĩ Chessa Lutter, giờ đây trách nhiệm khuyến khích trẻ bú sữa mẹ không còn chỉ là trách nhiệm riêng của các bà mẹ mà phải được coi là của cả cộng đồng thông qua các luật, chính sách và chương trình bảo vệ việc cho trẻ bú sữa mẹ.
Share To:
Magpress

Blog Thái Nguyên

Cảm ơn quý khách đã ghé thăm blog Thái Nguyên. Mọi phản hồi của quý khách xin gửi về theo địa chỉ Email : Blogthainguyen@Gmail.com .Xin cảm ơn.

0 comments so far,add yours